Kỹ thuật trồng măng tây xanh cho năng suất cao

Kỹ thuật trồng măng tây xanh cho năng suất cao

Bạn đang băn khoăn tìm hiểu kỹ thuật trồng măng tây xanh? Bạn đã đọc rất nhiều bài viết về chủ đề này nhưng vẫn chưa biết nên bắt đầu từ đâu? Ươm hạt gieo trồng như thế nào là đúng kỹ thuật? Vậy thì cùng tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây. Có thể đây sẽ là những gợi ý cụ thể, dễ hiểu để bạn có thể áp dụng cho công việc gieo trồng của mình.

1. Măng tây xanh có hàm lượng dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe

Măng tây xanh là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Măng tây có chứa nhiều chất đạm, chất xơ, glucid, các vitamin A, vitamin C, K, B1, B2, B6,…và các chất khoáng cần thiết cho cơ thể như: kali, magiê, canxi, sắt, kẽm…

Măng tây xanh có hàm lượng dinh dưỡng cao tốt cho sức khỏe

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, măng tây chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho tim mạch, đường ruột, hệ hô hấp, chống viêm, ngăn ngừa lão hóa, ngăn ngừa loãng xương, tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho thai nhi…

Với giá trị dinh dưỡng cao mà nó mang lại, măng tây xanh hiện đang là cái tên được nhiều người nhắc đến và sử dụng trong bữa cơm gia đình, góp mặt trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khách sạn…

2. Kỹ thuật trồng măng tây xanh

Bạn có thể trồng măng tây xanh bằng hạt hoặc trồng bằng cây giống con

Nhìn chung, việc trồng măng tây xanh bằng cây sẽ dễ trồng, tiện lợi và tiết kiệm thời gian hơn. Trước khi trồng măng tây khoảng 2 tháng, bạn cần xử lý đất thật kỹ, cày xới, phơi ải, làm sạch cỏ, bón phân, bón lót, làm rãnh, lên luống cho đất trồng… Cụ thể bạn có thể tham khảo các bài viết trước của Lisado về cách làm đất, cách cải tạo đất trồng măng tây.

Kỹ thuật trồng măng tây xanh

Khi trồng măng tây bằng cây, bạn nên chọn những cây măng giống xanh tươi, cây vươn dài. Đặt gốc măng tây vào chính giữa mô đất đã làm trước đó. Trải rễ về 2 phía mô đất, làm nhẹ nhàng, tránh đứt rễ. Sau đó lấp đất phủ quanh gốc, có thể phủ thêm lớp tro trấu mùn mục hoặc phân chuồng, đôn chặt gốc để tránh đọng nước và bảo vệ cổ rễ, giữ cây măng đứng thẳng.

Lưu ý, bạn nên trồng cây vào buổi chiều mát, tránh ánh nắng gay gắt.Trồng cây cách cây 40 – 50cm; hàng cách hàng 120 – 150 cm. Sau khi trồng đừng quên tưới nước nhẹ nhàng giữ ẩm đất.

Bên cạnh việc trồng bằng cây, bạn có thể trồng bằng hạt giống măng tây. Trồng măng tây bằng hạt sẽ mất nhiều thời gian hơn và phải trải qua nhiều công đoạn như: ngâm ủ hạt, chuẩn bị bầu ươm và giá thể để ươm hạt, sau khi cây giống con mọc lên mới đem trồng ra đất. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn chi tiết các bước dưới đây:

2.1. Ngâm, ủ hạt giống

Trước khi ủ hạt, bạn nên ngâm hạt giống măng tây trong nước để tăng khả năng nảy mầm. Ngâm hạt ở nước ấm khoảng 40 độ trong khoảng 24h, cứ 12h thì thay nước và rửa sạch hạt 1 lần để loại bỏ bụi bẩn và trơn nhớt.

Ngâm hạt giống đến khi thấy hạt nở to hơn, vỏ mềm thì lấy ra, vớt bỏ hạt lép và rửa sạch nhiều lần để loại bỏ mùi chua, nước nhớt bám trên hạt giống.

Sau đó đến công đoạn ủ hạt. Nếu ủ hạt với số lượng ít thì bạn có thể ủ hạt trong tấm vải thun tối màu, luôn giữ độ ẩm cho lớp vải là 50% và nhiệt độ trung bình là 30 độ C. Đặt khăn vào chậu nhựa nơi kín gió và tránh ánh sáng mạnh. Cứ 12 giờ sẽ phun nhẹ nước ấm 1 lần. Thường thì sau 9-12 ngày ủ, hạt giống sẽ nứt nanh và có thể chuẩn bị ươm bầu đất.

Nếu ủ số lượng hạt lớn thì bạn có thể ủ trên mặt nền rộng hơn ( chọn nơi kín gió, khuất sáng). Rải lên mặt nền một lớp tro hoặc mùn dày khoảng 1 cm. Sau đó, bạn trải lót một tấm lưới lên trên và rải lên đó một lớp tro mỏng.

Tiếp theo bạn rắc hạt giống lên và bên trên phủ một lớp tro trấu dày khoảng 1 cm. Sử dụng 1 tấm lưới để che phủ và tưới đều đặn 2 lần/ngày vào sáng và tối. Khi hạt đã nứt nanh, bạn có thể cho hạt ra bầu ươm. Tiếp tục phủ vải hoặc lưới để ủ những hạt còn lại chưa nảy mầm, đợi các hạt đó nứt nanh thì mang ra ươm trong bầu đất.

2.2. Chuẩn bị bầu ươm và giá thể ươm

Bạn có thể chuẩn bị bầu ươm và giá thể ươm trước khi ủ hạt giống. Bầu ươm thường là loại bao bì tự hủy hoặc có thể sử dụng túi nilon.

Giá thể gồm lớp đất mặt, tro trấu, phân chuồng ủ hoai (phân trùn quế), có thể bổ sung thêm chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với nhau theo tỷ lệ 1:1:1. Chú ý, tạo lỗ bên dưới bầu ươm để thoát nước.

2.3. Ươm hạt măng tây

Cho giá thể vào bầu ươm và lắc đều để đảm bảo độ nén của đất. Phun nước tạo ẩm. Dùng ngón tay ấn xuống bầu đất tạo một lỗ sâu khoảng 1 – 2 cm. Đặt hạt giống đã nứt nanh vào lỗ rồi lấp một lớp tro trấu mục hoặc đất tơi xốp lên trên. Sau đó tưới nước cho bầu ươm. Chú ý tưới nhẹ nhàng, giữ độ ẩm đất 50%. Đặt bầu ươm ở nơi có ánh sáng.

2.4. Chăm sóc các cây giống con

Sau khi ươm hạt khoảng 10 ngày thì các cây giống con sẽ mọc lên. Khi cây cao khoảng 10cm, tiến hành bón thúc với dung dịch NPK 15-15-15 pha loãng 0,1% kích thích cây măng phát triển. Cứ khoảng 10 ngày lại bón thúc một lần.

Sau thời gian khoảng 1 tháng thì có thể bổ sung vôi pha loãng diệt nấm bệnh và tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển.

Khi chiều cao của măng đạt 50-70cm, có 10-20 cọng rễ thì có thể mang măng ra trồng ngoài đất.

2.5. Chuẩn bị đất trồng măng tây

Các loại đất tơi xốp giàu hữu cơ, thoát nước tốt như đất cát đỏ, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất đỏ bazan… sẽ là lựa chọn phù hợp để gieo trồng măng tây. Độ ẩm đất khoảng 65 – 70%, Độ pH = 6.5 – 7.5; cải tạo đất bằng phẳng, độ dốc dưới 10% để dễ dàng tưới thấm qua rãnh và thoát nước tốt.

Hai tháng trước khi trồng măng tây xanh cần cải tạo đất bằng cách cày bừa, phơi ải, nhặt cỏ dại, xử lý nấm bệnh và tuyến trùng, san đất bằng phẳng, bổ sung phân xanh, mùn mục, tro trấu hay các loại phân chuồng ủ hoai, phân trùn quế,… để tăng dưỡng chất cho đất. Quanh khu đất trồng măng nên đào hệ thống mương rộng để thoát nước vào mùa mưa và tránh triều cường gây ngập úng.

Làm luống, làm liếp trồng măng. Tùy vào điều kiện địa lý từng địa phương để tạo độ cao và bề rộng của luống. Nếu trồng hàng đơn thì luống cao từ 30 – 60cm, rộng 50 – 60 cm. Nếu trồng theo hàng đôi thì luống cao từ 30-60 cm, rộng 120 – 150 cm.

2.6. Cách trồng măng tây xanh

Đào hố đất rộng khoảng 50cm. Trộn đất với phân trùn quế, lân hoặc phân chuồng ủ hoai đã được khử bệnh để bón lót trong hố trồng. Nhẹ nhàng rạch bỏ bao nilong ở bầu giống, giữ nguyên giá thể rồi đặt bầu cây vào hố trồng. Phủ kín đất lên bầu cây bảo vệ cổ rễ, giữ cây măng đứng thẳng. Nếu trồng măng tây theo hàng đơn, có thể trồng khoảng cách giữa các cây là 45 cm, hàng cách hàng 1,2 m.

Cách trồng măng tây xanh

Tiến hành tưới phun sương hàng ngày để giữ độ ẩm cho đất. Thường xuyên theo dõi và kiểm tra, xử lý kịp thời nếu cây bị sâu bệnh.

Hi vọng những thông tin về kỹ thuật trồng măng tây xanh trên đây sẽ là những gợi ý hữu ích làm phong phú hơn kinh nghiệm gieo trồng của bạn. Còn bất cứ điều gì băn khoăn về hạt giống măng tây xanh, cách ủ hạt, ươm hạt, gieo trồng, bạn có thể liên hệ với Lisado để được tư vấn chi tiết hơn.

Main Menu