Cách trồng và chăm sóc rau thủy canh tĩnh đơn giản tại nhà

Cách trồng và chăm sóc rau thủy canh tĩnh đơn giản tại nhà

Trồng rau thủy canh tĩnh là phương pháp trồng rau sạch, an toàn, ít tốn chi phí đầu tư ban đầu. Hãy cùng Lisado tìm hiểu rõ hơn cách trồng và chăm sóc rau thủy canh tĩnh đơn giản tại nhà.

1. Trồng rau thủy canh tĩnh là gì?

Trồng rau thủy canh tĩnh là hình thức trồng rau mà bạn dùng dung dịch thủy canh ở trong chậu đã được pha sẵn để nuôi dưỡng những cây trồng bên trên. Rễ cây sẽ được nhúng một phần trong dung dịch dinh dưỡng và hút dưỡng chất để nuôi cây.

Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc rau thủy canh tĩnh tại nhà

Rau trồng bằng phương pháp thủy canh

Ưu điểm của phương pháp này là chi phí đầu tư thấp bởi không cần hệ thống làm chuyển động dung dịch.

2. Cách trồng rau bằng phương pháp thủy canh tĩnh

2.1. Chuẩn bị dụng cụ trồng rau

  • Cần chuẩn bị các hộp xốp lót nilon đen để đựng dung dịch thủy canh. Việc sử dụng nilon đen để lót rất tốt cho sự phát triển của bộ rễ bởi rễ cây sinh trưởng phù hợp hơn trong môi trường tối.
  • Rọ nhựa thủy canh có lót lưới và giá thể để ươm hạt (Giá thể nên được giữ ẩm, tiệt trùng). Bạn cũng có thể thay rọ nhựa thủy canh bằng cốc uống nước nhựa khoét lỗ xung quanh.
  • Nắp hộp xốp khoét lỗ vừa với thân rọ thủy canh. Tùy theo nhu cầu về giống để khoét số lượng lỗ thích hợp
  • Dung dịch dinh dưỡng: pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đúng hàm lượng, tỉ lệ với từng loại rau trồng thủy canh

Dụng cụ trồng rau thủy canh tĩnh

Giàn trồng rau thủy canh tại nhà phổ biến

2.2. Gieo hạt giống

  • Giá thể trồng rau thủy canh cần được trộn ẩm đặt vào rọ nhựa. Chú ý không nên nhồi quá lỏng hoặc quá chặt, nên lấy giá thể với lượng vừa phải để đảm bảo khả năng hút nước nuôi cây
  • Tạo các lỗ gieo hạt trên rọ, chiều sâu khoảng 1cm. Mỗi lỗ gieo 1 – 2 hạt. Lỗ gieo hạt nên phủ kín.
  • Chuyển rọ vào khay ươm hạt. Thêm nước vào khay với mực nước cao từ 1,5 –  2cm. Thường xuyên kiểm tra mực nước ở khay, không để nước cao quá có thể gây úng hạt

Ươm hạt giống trồng rau thủy canh tĩnh

2.3. Chuyển cây con vào hệ thống

  • Khi cây con đã nảy mầm đến 2-3 lá, lúc này nên bắt đầu chuyển cây con vào hệ thống. Có thể bổ sung trấu hun quanh gốc để cây đứng vững hơn
  • Nên đặt mỗi rọ một cây ( nên chọn những cây có độ phát triển đồng đều)
  • Đổ dung dịch thủy canh đã được pha với nước sạch vào thùng xốp. Chú ý nên cách miệng thùng 3cm

Chuyển cây con vào hệ thống trồng rau thủy canh tĩnh

2.4. Chăm sóc rau trồng

  • Khi chăm sóc cho cây bạn nên thường xuyên kiểm tra lượng dung dịch dinh dưỡng trong thùng, không nên để dung dịch ngập quá cao lên hết bộ rễ khiến rễ cây khó hô hấp.
  • Che mưa cho cây, tránh bị loãng dung dịch thủy canh
  • Phun thêm nước vào lá cây trong những ngày nắng to
  • Khi cây trưởng thành, rễ đã phát triển, không được để bộ rễ chìm hoàn toàn trong dung dịch. Tốt nhất chỉ để lượng dung dịch ở mức 1/2 thùng xốp.

Chăm sóc rau trồng bằng phương pháp thủy canh tĩnh

3. Một số lưu ý khi trồng rau thủy canh tĩnh

  • Khi trồng rau thủy canh tĩnh, nên thường xuyên kiểm tra lượng dung dịch thủy canh và bổ sung thêm dung dịch. Bạn có thể bổ sung bằng cách rót từ từ qua 1 lỗ trên nắp thùng. Khi kiểm tra lượng dung dịch nên mở hé nhẹ nhàng, tránh gây tác động mạnh đến bộ rễ.
  • Mỗi ngày nên cho cây quang hợp ánh sáng từ 5-6 giờ
  • Nên làm mái che bằng nilon cho cây trồng, tránh nước mưa lớn
  • Khi trồng rau thủy canh, nhất là với những loại cây ăn lá, nên phun bổ sung nước 2-3 lần vào những buổi trưa nắng gắt, cung cấp độ ẩm cho lá xanh tươi.

Thông thường khoảng 2 – 3 ngày bạn tiến hành đo lại PPM (nồng độ dinh dưỡng) của dung dịch thủy canh, nếu thấp hoặc quá cao bạn tiến hành xử lý bằng việc thêm dinh dưỡng hoặc nước sạch để trung hòa nồng độ này sao cho phù hợp nhất.

Đo nồng độ dinh dưỡng của dung dịch thủy canhc

Bạn cũng cần chú ý đến độ PH của nước, PH phù hợp nhất cho các loại rau thường chỉ khoảng 5,5  đến 6,5.Việc đo nồng độ PPM cũng như PH của nước sẽ có bút thử giúp bạn làm việc này.

Bạn chỉ việc đưa bút đo nồng độ PPM xuống dung dịch trồng rau thủy canh, trong một vài giây bạn sẽ nhận được kết quả về môi trường nồng độ dinh dưỡng (PPM) dung dịch thủy canh của mình.

Điều chú ý tiếp theo là việc chọn rau trồng có cùng nồng độ thủy canh thích hợp. Với mỗi loại rau sẽ có một khoảng nồng độ thủy canh thích hợp nhất. Do vậy trong cùng một môi trường dung dịch thủy canh, bạn nên lựa chọn những loại rau có cùng khoảng nồng độ để đạt được năng suất tốt nhất.

Những lưu ý khi trồng rau thủy canh tĩnh

Trên đây là một số gợi ý về cách trồng rau thủy canh tĩnh, bạn có thể áp dụng cho mô hình trồng rau sạch tại nhà. Phương cách trồng này khá đơn giản nhưng đem lại hiệu quả, năng suất cao, có thể trồng được nhiều vụ hay trái mùa, tạo không gian xanh, thân thiện với môi trường và mang đến nguồn rau sạch an toàn cho sức khỏe người dùng.

Main Menu